Hướng dẫn thu mẫu tóc, lông, râu để xét nghiệm ADN huyết thống

Khi làm xét nghiệm ADN cho mục đích dân sự, hầu hết những người yêu cầu làm xét nghiệm ADN đều mong muốn dùng loại mẫu đơn giản, dễ lấy, dễ tự thu nhất: mẫu tóc, mẫu niêm mạc miệng, mẫu máu, móng tay móng chân, cuống rốn... Trong đó, mẫu tóc là mẫu tự thu được sử dụng khá phổ biến. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cách thu mẫu tóc cho xét nghiệm ADN một cách chi tiết và cụ thể nhất để giúp mọi người có thể dễ dàng tự thực hiện. Mẫu lông, râu sẽ tương tự.

1. Mẫu tóc có thể dùng để làm xét nghiệm ADN?

Dựa trên cơ sở khoa học, chỉ cần lấy được phần tế bào có chứa ADN trên cơ thể người là có thể làm xét nghiệm ADN, và phần chân tóc (chỉ gồm phần gốc tóc) là phần được dùng cho việc tách chiết ADN.

Mẫu tóc được dùng khá phổ biến cho mục đích dân sự vì:

-    Mẫu lấy dễ dàng, không đòi hỏi dụng cụ và kỹ thuật chuyên môn.

-    Bảo quản mẫu dễ dàng, chất lượng đảm bảo.

-    Mẫu thu được cho hầu hết các đối tượng nam, nữ, già, trẻ (trừ trường hợp trẻ sơ sinh vì tóc quá mảnh, khó nhổ được cả chân tóc)

Ngoài ra, các mẫu khác thuộc hệ lông trên cơ thể như râu, lông nách, lông chân... đều có thể được sử dụng như mẫu tóc, miễn là có chân (gốc). Cách thức thu của các loại mẫu này tương tự như mẫu tóc. Nên sử dụng nhíp khi thu lông, râu hoặc sợi tóc ngắn để tránh chạm vào phần gốc gây nhiễm mẫu.


2. Chuẩn bị trước khi thu mẫu

Nếu bạn muốn xét nghiệm ADN với mục đích cá nhân (chỉ để biết) thì bạn có thể tự chuẩn bị và thu mẫu tóc cho các đối tượng tham gia xét nghiệm một cách đơn giản bao gồm:

-    Phong bì đựng mẫu có in sẵn các thông tin cần điền và phân biệt màu sắc. Số lượng phong bì tương ứng với số lượng người tham gia cung cấp mẫu.

-    Đơn đề nghị xét nghiệm và phụ lục đơn đề nghị xét nghiệm

Để việc thu mẫu, gói mẫu và bảo quản, điền thông tin được rõ bạn cũng sẽ cần có:

-    Nhíp sẽ thuận tiện cho bạn khi nhổ râu, lông hoặc tóc ngắn.

-    Keo hoặc hồ dán để dán kín phong bì sau khi bỏ mẫu riêng của từng người vào từng phong bì.

-    Bút bi hoặc bút mực: Điền chính xác các thông tin mẫu hoặc ký hiệu để phân biệt được mẫu từ đối tượng nào.

3. Các bước thu mẫu tóc cho xét nghiệm ADN huyết thống

Bước 1: Ghi rõ thông tin trên từng phong bì đựng mẫu xét nghiệm ADN

-    Điền đầy đủ thông tin lên phòng bì hoặc giấy đựng mẫu: Họ và tên (có thể ghi tên thật hoặc ký hiệu), Ngày sinh, Ngày thu mẫu, Loại mẫu, Chủng tộc (Châu Á, Âu,…).

Bước 2: Thu mẫu

-    Nhổ lần lượt 7-10 sợi tóc (lông, râu) sao cho lấy được nhiều nhất số sợi có cả chân (gốc tóc). Nếu là tóc nên nhổ ở đỉnh đầu để đỡ đau và chân tóc ở đó dày hơn ở các vị trí khác. Nếu là tóc, lông, râu ngắn nên dùng nhíp để tránh chạm tay vào phần chân tóc.

-    Lưu ý: không sử dụng tóc (lông, râu) cắt hoặc tự rụng để làm xét nghiệm.

-    Kiểm tra kỹ chân tóc để chắc chắn các sợi tóc (lông, râu) thu đạt chất lượng. Phần gốc quan sát sẽ thấy có đầu móc câu hoặc có màu hơi trắng, khi đặt trên mặt giấy thì hơi dính vào giấy.

Bước 3: Đóng gói và bảo quản mẫu

-    Cho ngay tóc thu của từng người vào từng phong bì đã ghi thông tin tương ứng, dán kín miệng phong bì lại.

-    Mẫu tóc thu xong nếu chưa gửi ngay tới phòng xét nghiệm Skylab cần được bảo quản trong phong bì giấy để ở nơi thoáng mát, nhiệt độ phòng (không cần bảo quản trong tủ lạnh).

Bước 4: Điền đơn, ký xác nhận người đề nghị xét nghiệm ADN huyết thống

Bước 5: Nộp mẫu trực tiếp hoặc chuyển phát mẫu đã thu tới Skylab

-    Khi nhận được mẫu, Skylab sẽ gọi lại cho người đề nghị xét nghiệm để xác nhận lại thông tin người tham gia xét nghiệm, chất lượng mẫu và phương thức thanh toán phí.